Chiều 9/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương và Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Văn Quang đã tới Trung tâm Y tế huyện Tam Nông (tỉnh Phú Thọ) thăm hỏi, động viên các nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu.
Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cho biết đơn vị đang điều trị cho 3 nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu. Hiện sức khỏe, tinh thần các nạn nhân ổn định.
Ông Trần Quang Phương yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Tam Nông tập trung mọi nguồn lực để điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân.
Sau hơn 6 giờ xảy ra vụ sập cầu, tinh thần anh Phan Trường Sơn (trú huyện Tam Nông, Phú Thọ) đã dần ổn định. Trong 3 nạn nhân đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Tam Nông, anh Sơn là người bị thương nặng nhất.
Anh Phan Trường Sơn kể lại thời điểm cầu Phong Châu bị sập (Ảnh: Hữu Nghị).
Quảng cáo của DTads
Nhớ lại thời điểm xảy ra vụ sập cầu, ánh mắt vẫn chưa hết sợ hãi, anh Sơn kể, sáng 9/9, anh từ huyện Tam Nông sang huyện Lâm Thao để giải quyết công việc.
Đến khoảng 9h45, anh về nhà. Trong lúc đi đến cầu Phong Châu, anh Sơn nghe thấy tiếng “uỳnh uỳnh” nhưng nghĩ do xe tải hạng nặng đang đi trên cầu.
Chưa kịp định hình cầu xảy ra chuyện gì, anh thấy mình đã rơi xuống sông Hồng. Lúc rơi xuống sông, anh nghĩ mình không thể sống sót để có thể trở về với gia đình.
“Rơi xuống sông, tôi thấy mình chìm rất sâu nên cố gắng ngoi lên mặt nước. Lúc đấy, mặc dù đã ngoi đến mặt nước nhưng tôi không dám nghĩ mình còn sống để trở về vì nước chảy quá xiết”, vẻ mặt vẫn chưa hết sợ hãi, anh Sơn kể.
Trong khi đang chới với giữa dòng nước chảy xiết, anh may mắn bám vào được cây chuối. Sau khoảng 4-5km trôi theo dòng nước, anh được người dân đi thuyền ra cứu.
“Vào đến viện tôi mới nghĩ mình còn sống. Lúc ôm cây chuối trôi theo dòng nước tôi rất hoảng loạn, cứ nghĩ mình không còn được về với gia đình”, rưng rưng nước mắt, anh Sơn nói.
Anh Nguyễn Minh Hải – nạn nhân may mắn sống sót sau vụ sập cầu Phong Châu (Ảnh: Hữu Nghị) .
Vẫn chưa hoàn hồn sau vụ sập cầu, anh Nguyễn Minh Hải kể, khoảng 9h50 ngày 9/9, anh cùng đồng nghiệp là Bùi Quý Trọng (trú xã Vạn Xuân, huyện Tam Nông, Phú Thọ) đi làm từ huyện Lâm Thao về nhà.
Khi đi gần hết cầu Phong Châu, anh Hải thấy xe tải hạng nặng đi qua và cây cầu xảy ra rung lắc mạnh.
“Xe tải đi qua được 1-2 giây tôi nghe tiếng rầm rầm rồi cầu bất ngờ đổ sập. Lúc này, tôi đang cầm lái còn anh Trọng ngồi phía sau. Vừa định hình cầu bị sập, tôi nghĩ mình xong đời rồi bởi tôi không biết bơi mà nước lại chảy rất xiết”, vừa dứt lời, anh Hải đỏ hoe mắt nhìn sang người đồng nghiệp ngồi bên cạnh.